Bàn chân có 33 khớp, 26 xương và hơn 100 cơ, gân, dây chằng. Đau ở chân có thể là dấu hiệu của bệnh viêm khớp. Dưới đây là các tình trạng thường gặp.
Gout xảy ra do axit uric tích tụ trong khớp hoặc mô liên kết xung quanh. Bệnh ảnh hưởng đến các khớp và thường bắt đầu ở khớp ngón chân cái, gây đau đớn và cản trở đi lại. Gout có thể xuất phát từ yếu tố di truyền hoặc do thực phẩm ăn vào. Nếu người bệnh không được chữa trị, bệnh tiến triển nghiêm trọng và tấn công các bộ phận khác như mắt cá chân, đầu gối, khuỷu tay.
Viêm xương khớp là bệnh thoái hóa khớp, trong đó các mô trong khớp bị phá vỡ theo thời gian, phổ biến ở người lớn tuổi. Người bệnh viêm xương khớp thường đau khớp; sau khi nghỉ ngơi hoặc không hoạt động sẽ bị cứng khớp trong thời gian ngắn. Triệu chứng đau khớp thường xảy ra ở dưới cùng của ngón chân hoặc giữa bàn chân và mắt cá chân.
Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn mạn tính, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào màng hoạt dịch khớp gây viêm, sưng đau, cứng khớp vào buổi sáng. Bệnh thường khởi phát trong độ tuổi 35-60, nữ giới nhiều hơn nam giới. Triệu chứng nhận biết của bệnh có tính đối xứng, như đau cùng một vị trí ở hai bên cơ thể, thường tại các khớp bàn chân và bàn tay.
Viêm khớp vẩy nến là biến chứng của bệnh vảy nến. Triệu chứng viêm khớp vẩy nến tương tự như viêm khớp dạng thấp nhưng nó ít có xu hướng ảnh hưởng đến khớp. Thông thường, người mắc bệnh có biểu hiện sưng ngón tay và ngón chân kèm móng tay bị rỗ, có vảy hoặc đổi màu.
Viêm cột sống dính khớp là tình trạng viêm hệ thống mạn tính, xảy ra ở đàn ông cao gấp 2-3 lần phụ nữ. Các triệu chứng ban đầu thường xảy ra ở khu vực gân nối với xương, đau ở gót chân hoặc vòm bàn chân, đau khi đi lại.
Viêm khớp sau chấn thương ở bàn chân hoặc mắt cá chân có thể làm suy yếu các khớp, dẫn đến nguy cơ viêm xương khớp. Tình trạng này có thể gây thêm căng thẳng cho đôi chân và đẩy nhanh quá trình hao mòn. Các triệu chứng bao gồm sưng tấy, tích tụ chất lỏng trong khớp bị ảnh hưởng và khó đi lại.