Ngày nay, các bệnh cơ xương khớp đang trở nên vô cùng phổ biến và có xu hướng trẻ hóa. Bệnh không chỉ xuất hiện ở người trung niên hoặc cao tuổi mà ngay cả các bạn trẻ cũng đang chịu đựng những bất tiện và đau đớn do bệnh lý gây nên. 

Bệnh cơ xương khớp là gì?

Bệnh cơ xương khớp là nhóm bệnh lý khá phổ biến ở những bệnh nhân trung niên hoặc lớn tuổi làm suy yếu chức năng vận động và gây khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày.

Cụ thể là bệnh gặp các vến đề về cơ xương khớp làm cho các hệ thống cơ, xương, khớp, dây chằng và thần kinh suy giảm chức năng dẫn đến thoái hóa và xuất hiện nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.

Theo các nghiên cứu cho thấy, có hơn 200 loại bệnh liên quan đến cơ xương khớp khác nhau được chia thành hai nhóm chính:

Nhóm thứ nhất là bệnh do chấn thương như tai nạn giao thông, tai nạn trong quá trình lao động, chấn thương do thể thao tác động đến hệ cơ xương của người bệnh.

Nhóm thứ hai là bệnh không do chấn thương bao gồm bệnh tự miễn hệ thống như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, viêm cơ tự miễn, xơ cứng bì, viêm khớp cột sống, gout và các loại bệnh lý thoái hóa xương khớp, u xương,…

Các bệnh về cơ xương khớp thường gặp nhất

Có thể nói bệnh cơ xương khớp xuất hiện ở mọi độ tuổi cả nam và nữ. Nhóm bệnh tuy ít gây tử vong nhưng thường để lại di chứng khá nặng nề, có thể làm giảm hoặc mất khả năng vận động. Ngoài những bệnh về xương khớp như: thoát vị đĩa đệm, đau cổ vai gáy, đau thần kinh tọa, một số bệnh lý về cơ xương khớp thường gặp bao gồm:

Bệnh thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là bệnh lý gây tổn thương phần sụn khớp và xương dưới sụn, xuất hiện viêm và giảm dịch khớp. Thoái hóa khớp thường do tuổi cao, bên cạnh đó các yếu tố như di truyền, béo phì, các vi chấn thương ở khớp gây nhiễm trùng hoặc các chấn thương mạnh do tai nạn cũng góp phần làm phát sinh bệnh lý này.

Bệnh nhân bị thoái hóa khớp thường có triệu chứng đau nhức âm ỉ quanh các khớp xương bị thoái hóa. Ban đầu cơn đau có thể giảm khi người bệnh hạn chế vận động nhưng khi bệnh trở nặng, các cơn đau sẽ kéo dài và gây nhiều đau đớn cho bệnh nhân.

Ngoài ra, người bệnh còn xuất hiện các triệu chứng khác như cứng khớp, khó cử động khớp đặc biệt là sau khi thức dậy, hạn chế các vận động như cúi đầu, xoay cổ, khớp bị biến dạng, sưng to lên hoặc cơ bị teo lại,…

Bệnh Viêm khớp

Viêm khớp là tình trạng rối loạn có liên quan đến cấu trúc và hoạt động của các khớp xương. Có hơn 100 loại viêm khớp khác nhau gồm 2 loại chính là viêm xương khớp (Osteoarthritis) và viêm khớp dạng thấp (Rheumatoid Arthritis).

Đây là một bệnh lý về cơ xương khớp rất phổ biến gây nhiều trở ngại trong cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Các triệu chứng điển hình của bệnh là sưng, nóng và đỏ tại các vùng khớp, cứng khớp và gây đau ở các khớp khi vận động.

Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý gây viêm nhiều khớp với các triệu chứng thường gặp là sưng, nóng, đỏ, đau cứng khớp và hạn chế cử động. Bệnh thường phát sinh ở nữ giới trung niên hơn nam giới, trong đó các khớp nhỏ như ở bàn tay, bàn chân thường bị đau nhức hơn những vị trí khác.

Những tổn thương do bệnh lý viêm khớp dạng thấp gây ra thường đối xứng hai bên cơ thể và thậm chí còn làm tổn thương những cơ quan khác như tim, phổi, da, mắt của người bệnh. Đây là bệnh tự miễn nên vẫn chưa có phương pháp chữa trị hoàn toàn, tuy nhiên các nghiên cứu lâm sàng đã chỉ ra rằng khi điều trị sớm với các thuốc đặc trị, các triệu chứng sẽ sớm thuyên giảm.

Bệnh gai cột sống

Gai cột sống là bệnh lý do đĩa sụn và xương của người bệnh bị thoái hóa làm mặt xương khớp nhọn, xuất hiện gai mọc ra và chèn ép các dây chằng quanh khớp và dây thần kinh gây đau xương ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể người bệnh.

Thường ở giai đoạn đầu, bệnh nhân không cảm nhận được những triệu chứng của bệnh nhưng khi bệnh trở nặng, gai cọ xát với các xương và phần mềm khác xung quanh làm u xuất hiện những cơn đau gây ảnh hưởng đến vận động cũng như sinh hoạt của người bệnh.

Bệnh thường phát sinh các cơn đau ở cổ, thắt lưng, đặc biệt khi bệnh nhân đứng hoặc vận động. Vận động càng nhiều các cơn đau càng tăng lên. Những trường hợp nặng hơn thì bệnh nhân có thể bị tê ở cổ sau đó lan qua tay, đau ở sống lưng dọc xuống hai chân.

Bệnh Loãng xương

Loãng xương là tình trạng xương bị rối loạn chuyển hóa khiến khối lượng và chất lượng xương giảm sút, làm tăng nguy cơ gãy xương cho người bệnh. Bệnh lý thường xuất hiện bởi lý do tuổi tác, thay đổi nội tiết tố, suy dinh dưỡng hoặc dùng corticoid kéo dài.

Phụ nữ mãn kinh là đối tượng có nguy cơ loãng xương cao, tốc độ mất xương trong giai đoạn mãn kinh từ 1-3% mỗi năm và thường kéo dài từ 5-10 năm sau đó.

Bệnh thường diễn biến âm thầm, không có nhiều triệu chứng cho đến khi người bệnh bị gãy xương hoặc xuất hiện biến dạng vùng cột sống như gù, giảm chiều cao, xiêu vẹo cột sống.

Bệnh Gout (bệnh gút)

Bệnh Gout phát sinh do nồng độ axit uric trong máu người bệnh cao khi chuyển hóa nhân purin trong cơ thể bị rối loạn chuyển hóa. Những nguyên nhân chính gây tăng nồng độ axit uric bao gồm ăn nhiều thực phẩm chứa purin như nội tạng động vật, các loại thịt bò, dê, cừu và hải sản; cơ thể không thải axit uric qua nước tiểu và phân như thường do suy thận, rối loạn di truyền và những nguyên nhân khác.

Nồng độ axit uric trong nước tiểu cao làm hình thành và lắng đọng các tinh thể urat gây ra những triệu chứng viêm ở khớp đột ngột như sưng khớp, khớp nóng, đỏ và xuất hiện những cơn đau dữ dội ở các khớp ngón chân, cổ chân và khớp gối mà vài ngày sau sẽ tự khỏi. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh gout sẽ gây ra nhiều biến chứng trầm trọng gây tàn phế, suy thận hoặc suy tim.

Khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào cảnh báo các bệnh lý về xương khớp người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán xác định. Từ đó sẽ có những phác đồ điều trị phù hợp cho từng đối tượng cụ thể.

Không tìm thấy sản phẩm nào khớp với lựa chọn của bạn.