Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng đau nửa đầu khiến bạn mệt mỏi, bất tiện trong cuộc sống hàng ngày. Do đó cần sớm phát hiện nguyên nhân và điều trị dứt điểm kịp thời.

Cơn đau nửa đầu có thể nặng hoặc nhẹ, tần suất đau thường xuyên hoặc thỉnh thoảng tùy theo nguyên nhân đau nửa đầu là gì. Vì thế, tốt nhất khi bị đau nửa đầu, người bệnh nên chủ động theo dõi diễn tiến bệnh và đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị, không nên chủ quan và tự ý dùng thuốc khi có hiện tượng đau nửa đầu mà không có chỉ định từ bác sĩ.  

Đau nửa đầu là bệnh gì?

Đau nửa đầu là tình trạng một bên đầu xuất hiện cảm giác đau. Cơn đau này có thể là cảm giác đau nhói dữ dội hoặc chỉ là một cơn đau nhẹ, kéo dài hàng giờ liền hoặc diễn ra và kết thúc nhanh chóng. Thông thường, khi bị đau nửa đầu người bệnh thường kèm theo cảm giác buồn nôn, nôn mửa, cảm thấy nhạy cảm và khó chịu với ánh sáng, âm thanh.

Triệu chứng đau nửa đầu có thể xảy ra bất kỳ lứa tuổi nào. Tuy nhiên, ở trẻ chưa biết nói thì bé không thể báo cho cha mẹ hay người thân biết hay đối với bé còn nhỏ chưa biết diễn tả cơn đau thì khó mà phát hiện sớm. Hay ở những người già, lú lẫn không thể diễn tả các triệu chứng của đau nửa đầu. 

Thông thường, trong những trường hợp này là những trường hợp đau nửa đầu thứ phát của những bệnh nguy hiểm thì chúng ta sẽ dựa trên các triệu chứng đi kèm như nôn ói, sợ ánh sáng, sốt, co giật mà xác định chẩn đoán bằng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính hay cộng hưởng từ sọ não.

Các cơn đau nửa đầu có thể nghiêm trọng đến mức cản trở các hoạt động hàng ngày của người bệnh. Khi xuất hiện cơn đau, bạn có thể gặp các dấu hiệu như rối loạn thị giác (cảm thấy có ánh sáng nhấp nháy, mắt mờ, mù màu đau mắt,…) hoặc các rối loạn khác như khó nói, cảm giác ngứa ở một bên mặt, cánh tay, chân,…

Triệu chứng đau nửa đầu

  • Đau nửa đầu có thể ở mức độ nhẹ, vừa hay dữ dội.
  • Đau nửa đầu theo nhịp mạch đập.
  • Đau có thể ngày càng tăng dần cường độ hay diễn tiến theo từng đợt: Giảm đau rồi xuất hiện trở lại.
  • Đau nửa đầu có thể xuất hiện vào nửa đêm về sáng: U não, máu tụ nội sọ, đau đầu cụm hay xảy ra khi gắng sức hoặc có kích thích ánh sáng (màn hình tivi, điện thoại, laptop,..).

Nguyên nhân đau nửa đầu

Tình trạng đau nửa đầu có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Cụ thể, đau nửa đầu có thể là nguyên phát (bệnh nhẹ không gây chết người nhưng ảnh hưởng chất lượng sống) hay là thứ phát (bệnh nặng có thể gây chết người cần phát hiện sớm điều trị kịp thời:

  • Đau đầu thứ phát: Do đột quỵ não, dị dạng mạch máu não, u não, máu tụ nội sọ, abces não. Những trường hợp này cần chẩn đoán sớm bằng các phương tiện như chụp hình não (CT hay MRI) và giải quyết tùy theo nguyên nhân.
  • Đau đầu nguyên phát: Thường gặp nhất là chứng đau nửa đầu Migraine, kế đến là đau đầu từng cụm. 

Đau nửa đầu Migraine

Chứng nhức nửa đầu từng cơn theo nhịp mạch, cường độ thay đổi, có tính chu kỳ, nữ hay bị hơn nam (18% so với 6% dân số), khởi phát ở tuổi thanh thiếu niên, kéo dài suốt đời, bệnh có tính gia đình. Một số yếu tố có thể khởi phát cơn đau đầu:

1. Do thay đổi nội tiết tố

Phụ nữ thường bị đau nửa đầu trong thời gian hành kinh do nồng độ các hormone như estrogen thay đổi trong khoảng thời gian này. Cơn đau xảy ra trước ngày “rụng dâu” từ 1-2 ngày và kéo dài sau khi kết thúc thời gian hành kinh từ 2-3 ngày. Trong trường hợp này cơn đau đầu sẽ biến mất hay thuyên giảm sau thời kỳ mãn kinh. 

2. Do các cảm xúc tiêu cực

Các yếu tố về tâm lý, cảm xúc cũng có thể khiến một người bị đau nửa đầu. Theo đó, những người thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi, áp lực,… có nguy cơ đau nửa đầu cao hơn so với người bình thường.

Ngoài ra, tâm trạng buồn rầu, gặp một chấn thương về mặt tâm lý như vừa ly hôn, người thân qua đời,… cũng có thể ảnh hưởng đến tình trạng bệnh, khiến bạn thường xuyên bị đau nửa đầu.

3. Sức khỏe thể chất suy kém

Sức khỏe suy giảm là một nguyên nhân góp phần làm tăng tần suất đau nửa đầu. Người thuộc các nhóm đối tượng sau đây sẽ dễ bị đau hơn:

  • Người có giấc ngủ kém, ngủ ít, thường xuyên mất ngủ.
  • Người làm việc quá sức, không có nhiều thời gian nghỉ ngơi.
  • Người hay làm việc đêm.
  • Người vừa di chuyển đến một khu vực khác trái múi giờ.

4. Do thức ăn

Một số thức ăn có thể khởi phát cơn đau nửa đầu như: 

  • Thức ăn chứa tyramine: Rượu vang đỏ, thịt chế biến sẵn như xúc xích, thịt hun khói, gan gà, chocolat, sữa chua, trái cây có múi, chuối, quả sung, các loại hạt, phô mai,…;
  • Bột ngọt;
  • Cà phê (sử dụng quá nhiều).

5. Tác động từ môi trường

Cơn đau nửa đầu có thể diễn biến nặng hơn nếu bị tác động bởi các yếu tố môi trường. Theo đó, âm thanh ồn ào, đèn quá sáng hoặc liên tục nhấp nháy, phòng có khói thuốc lá, phòng có mùi, thay đổi khí hậu, không khí ngột ngạt,… cũng có thể khiến cơn đau nửa đầu bộc phát hoặc cơn đau sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.

6. Do sử dụng thuốc

Lạm dụng dụng thuốc giảm đau, thuốc tránh thai, thuốc an thần,… đôi khi cũng có thể khiến bạn bị đau nửa đầu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.