Các cơn đau lưng khiến người bệnh gặp nhiều phiền toái trong sinh hoạt, góp phần làm giảm chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, đây cũng có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc phải một số bệnh lý xương khớp nguy hiểm khác. Vì thế, người bệnh không nên “xem nhẹ” tình trạng này, cần thăm khám càng sớm càng tốt để ngăn ngừa các biến chứng nặng.
Đau lưng là gì?
Đau lưng là các cơn đau tê dọc hay gần cột sống. Tùy theo vị trí đau, bác sĩ sẽ phân thành 4 khu vực chính gồm đau lưng trên, đau lưng dưới, đau lưng giữa, đau lưng một bên (phải hoặc trái). Ngoài ra, đau lưng còn được phân thành 2 loại, cụ thể:
- Đau lưng cấp tính: Tình trạng này thường bắt đầu đột ngột, có thể kéo dài tới 6 tuần.
- Đau lưng mạn tính: Các cơn đau phát triển trong một thời gian dài, thường kéo dài hơn 3 tháng.
Các cơn đau lưng được xác định cấp tính, bán cấp tính hay mạn tính sẽ tùy theo thời gian đau của người bệnh. Cảm giác đau có thể âm ỉ, dữ dội hoặc kèm theo cảm giác nóng rát. Một số trường hợp cảm giác đau có thể lan đến các chi, gây tê bì tay chân hoặc yếu cơ.
Tình trạng đau này có thể xuất phát từ các vấn đề ở cơ, xương, khớp, dây thần kinh hoặc từ những bộ phận cấu thành cột sống. Nhiều trường hợp có thể là do ảnh hưởng từ cấu trúc khác bên trong cơ thể như động mạch chủ, tuyến tụy, túi mật hoặc thận.
Vị trí đau tức lưng thường gặp
Những cơn đau lưng có thể xảy ra ở nhiều vị trí khác nhau, cụ thể:
- Đau lưng trên: Tình trạng này thường xảy ra từ cổ tới hết khung sườn. Trường hợp thường gặp nhất là ở đốt sống ngực (T1 – T12). Các cơn đau có thể khởi phát đột ngột và biến mất hay kéo dài dai dẳng, kèm theo cảm giác bỏng rát, tê, ngứa ran, yếu cơ…
- Đau lưng dưới: Xảy ra do tiến trình lão hóa tự nhiên, chấn thương, chuyển động đột ngột, sai tư thế trong khi nâng vật nặng, thừa cân, béo phì… Nếu không điều trị sớm, người bệnh phải chịu đựng các cơn đau dai dẳng đi kèm cảm giác nóng rát, co thắt cơ, căng tức khó chịu.
- Đau lưng giữa: Đây là trường hợp thường gặp, xảy ra ở mọi đối tượng. Người bệnh sẽ có các biểu hiện như đau lưng âm ỉ hay dữ dội, tức ngực, tê ngứa ở ngực hay tay, chân…
- Đau lưng một bên (bên trái hoặc bên phải): Cơn đau chỉ xuất hiện một bên lưng. Đây thường là dấu hiệu cho thấy sự sai lệch giữa những khớp ở đốt sống vùng chậu, thắt lưng hay khớp hông. Người bệnh nên đi thăm khám sớm để điều trị tận gốc.
Triệu chứng đau lưng
Triệu chứng chính của đau lưng là cảm giác đau nhức, khó chịu khi kích hoạt bất kỳ vị trí nào trên lưng. Một số trường hợp cơn đau còn lan tới mông, chân hoặc cánh tay. Tình trạng cơn đau lan tới các bộ phận khác trong cơ thể sẽ tùy thuộc vào dây thần kinh bị ảnh hưởng.
Đau lưng là triệu chứng của bệnh gì?
Đau lưng là triệu chứng của rất nhiều bệnh lý cột sống như:
1. Thoái hóa cột sống lưng
Thoái hóa cột sống lưng thường xuất hiện ở vị trí sụn khớp và đĩa đệm. Khi cột sống bị thoái hóa, người bệnh thường bị đau vùng lưng dưới liên tục. Cơn đau tăng khi bạn cúi người, vặn mình hay nâng vác vật nặng.
2. Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là tình trạng nhân nhầy của đĩa đệm cột sống lệch ra khỏi vị trí bình thường, có thể chèn ép lên các rễ thần kinh, gây tê bì và đau nhức. Tình trạng này có thể là kết quả của chấn thương hay do đĩa đệm đã bị thoái hoá, có khả năng xảy ra ở bất cứ vị trí nào của cột sống, nhưng thường nhất là ở cột sống thắt lưng. Cơn đau thường lan tỏa từ thắt lưng xuống chân (đau dây thần kinh tọa).
3. Hẹp ống sống
Hẹp ống sống là tình trạng ống sống bị thu hẹp, gây chèn ép lên tủy sống hay các rễ thần kinh. Nguyên nhân là do gai xương phát triển, thoái hóa dây chằng khiến dây chằng dày lên và làm hẹp lòng ống sống, thoát vị đĩa đệm, viêm khớp cột sống… Người bệnh thường bị đau tại vùng thắt lưng, đau lan tới chân.
4. Căng cơ hoặc dây chằng
Thường xuyên nâng vật nặng hoặc cử động chuyển hướng bất ngờ có thể làm căng hệ thống cơ cạnh sống và dây chằng cột sống. Một số trường hợp người bệnh có thể chất kém, tình trạng căng thẳng liên tục ở vùng lưng rất dễ gây ra những cơn đau co thắt lưng.
5. Loãng xương
Loãng xương là tình trạng xảy ra phổ biến ở nữ giới sau mãn kinh hay người bệnh sử dụng corticoid kéo dài. Bệnh thường diễn ra âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng. Các đốt sống thắt lưng có thể bị gãy xẹp do loãng xương, gây đau nhức cho người bệnh.
6. Gai cột sống
Tình trạng gai cột sống thường gây ra các cơn đau nhức khó chịu ở vùng thắt lưng, vai hoặc cổ. Vì các gai xương đã chèn ép lên dây thần kinh. Trường hợp nghiệm trọng có thể làm giảm hoặc mất khả năng vận động ở các vùng bị ảnh hưởng.
7. Đau thần kinh tọa
Dây thần kinh tọa là dây thần kinh dài nhất của cơ thể, đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng. Các cơn đau thần kinh tọa có thể xuất hiện do bệnh thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm. Cảm giác đau diễn ra từ từ hay đột ngột với tính chất âm ỉ hay dữ dội. Trong trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể bị rối loạn giao cảm, đại tiện không kiểm soát, mất khả năng vận động ở vùng bị ảnh hưởng.
8. Cong vẹo cột sống
Cong vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị cong sang một bên. Tình trạng này làm mất tính bền vững và ổn định của cột sống, có thể xuất hiện ở một hay nhiều vị trí. Trong đó, đau thắt lưng và cứng khớp là những triệu chứng thường gặp nhất. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể là thoái hóa đĩa đệm, gãy xẹp các đốt sống. Người bệnh thường cảm thấy đau ở vùng lưng hoặc tê chân.
9. Khối u
Khối u cột sống phát triển từ các mô bất thường trong ống cột sống hay xung quanh cột sống. Những khối u chèn ép lên cột sống, làm tổn thương tủy sống, từ đó gây ra cảm giác đau từ âm ỉ tới dữ dội cho người bệnh. Bệnh cần được điều trị sớm để tránh khối u di căn tới những vị trí khác trong cơ thể.
10. Một số nguyên nhân gây đau lưng khác
Một số yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ đau mỏi lưng như:
- Tuổi tác: Các cơn đau lưng xuất hiện thường xuyên hơn ở người lớn tuổi, phổ biến ở người trên 40 tuổi.
- Lười vận động: Thói quen lười vận động làm cho các cơ dần yếu đi do không được sử dụng, đặc biệt là cơ bụng và cơ lưng. Tình trạng này có thể dẫn tới các cơn đau nhức cho người bệnh.
- Thừa cân, béo phì: Tình trạng này sẽ tạo nhiều áp lực lên cho cơ thể, đặc biệt làm vùng lưng bị căng thẳng quá mức khi vận động, di chuyển nhiều. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các cơn đau ở vùng lưng.
- Bệnh lý: Một số bệnh lý có thể kích hoạt các cơn đau ở lưng như các bệnh viêm khớp, bệnh zona, hội chứng chùm đuôi ngựa, rối loạn giấc ngủ, một số bệnh nhiễm trùng…
- Vấn đề về tâm lý: Cảm giác đau mỏi lưng của bạn có thể là hội chứng đau mỏi cơ do tâm lý (Tension Myositis Syndrome) gây ra. Những áp lực, lo âu, căng thẳng trong công việc, gia đình, cuộc sống, học đường đều có thể làm xáo trộn hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Khi đó, mạch máu co lại khiến máu không lưu thông đủ tới vùng liên quan, một số cơ, thần kinh hay dây chằng sẽ bị thiếu oxy, gây ra cảm giác đau nhức.
- Hút thuốc: Những người có thói quen hút thuốc là thường dễ bị đau lưng hơn người bình thường. Hút thuốc làm giảm lưu lượng máu đến cột sống, giảm mật độ xương, làm tăng nguy cơ loãng xương.
Biến chứng
Đau lưng ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng tới cuộc sống của người bệnh từng bị đau lưng cấp tính hay mạn tính, âm ỉ hoặc dữ dội. Người bệnh gặp nhiều khó khăn trong hầu hết các chuyển động, bị giới hạn khi thực hiện các công việc tay chân. Để tránh đau nhức, bệnh nhân thường phải di chuyển chậm. Theo đó, các hoạt động sinh hoạt hằng ngày cũng diễn ra chậm chạp.
Các cơn đau thắt lưng vào ban đêm thường gây khó ngủ. Theo thời gian, nếu không được chữa trị kịp thời, người bệnh sẽ bị mất tập trung, giảm sút trí nhớ. Ngoài ra, người bệnh đau lưng mạn tính thường có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn người bình thường. Họ thường cảm thấy chán nản, vô vọng, mất ngủ hay ngủ quá nhiều, khó kiểm soát cân nặng, mất hứng thú trong cuộc sống.
Chứng đau lưng còn ảnh hưởng đáng kể tới đời sống tình dục của các cặp đôi. Vì vợ hoặc chồng khi bị đau lưng thường có xu hướng lảng tránh chuyện chăn gối. Điều này gián tiếp làm ảnh hưởng tới mối quan hệ của cả hai.
Nếu trì hoãn điều trị quá lâu, các cơn đau lưng gây ra các biến chứng nguy hiểm khác như yếu liệt các cơ chi dưới, tê bì hay mất cảm giác hai chân, mất khả năng vận động. Một số trường hợp nặng hơn có thể gây chèn ép hệ thần kinh, gây rối loạn tiểu. Khi đó, thời gian điều trị kéo dài, chi phí điều trị cao cũng tăng cao, trở thành gánh nặng tài chính cho gia đình của người bệnh.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.